Page 216 - MuDo67
P. 216


Tình đã nghèo lại nghèo thêm. Mọi hy vọng về một đàn lợn con đã trôi
theo cùng với những nỗi đau buồn khác.
Mùa xuân năm ấy, xóm thôn chợt xôn xao về những tin buồn vui lẫn
lộn: Mụ Tình chửa hoang và lão Lý thoát ly đi làm cách mạng.
Con người cách mạng ấy đã ra đi với một mối căm hờn con vợ trắc nết
bỏ nhà theo trai trước đêm động phòng, và với cả một cuộc “đấu tranh”
hùng vĩ bên cạnh chuồng lợn ngày nào. Kết hợp mối căm hờn kẻ phản bội,
tình yêu thương người đàn bà cô quạnh, lòng yêu thôn xóm nồng nàn và
căm phẫn trước mọi bất công, lão Lý ra đi. Lão Lý đi làm cách mạng cũng
không quên dắt theo con lợn giống và bộ đồ nghề hoạn lợn. Con đường
cách mạng mà lão Lý đi tuồng như đã được vận dụng một cách khéo léo
mang mầu sắc quê hương, bản làng thôn xóm.
Về sau, theo lời Bá kể thì chú Thông Núi nói lão Lý mang theo con
lợn giống và cả bộ đồ nghề hoạn lợn đi làm cách mạng là phù hợp với chủ
trương. Việt Nam ta, chú Thông Núi nói, đang làm một cuộc cách mạng
tư sản kiểu mới: Cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân... cuộc cách mạng
này, Bá nhắc lại lời của chú Thông Núi, nhân dân vẫn còn giữ lại được một
số tư liệu sản xuất. Bá nhớ, chú Thông Núi nói rằng sau khi làm xong cuộc
cách mạng tư sản kiểu mới thì mọi tư liệu sản xuất sẽ đều được công hữu
hóa tức là tịch thu, khi tiến lên cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Con lợn giống, bộ đồ hoạn lợn của lão Lý là tư liệu sản xuất. Nghe chú
Thông Núi giải thích, Bá bứt đầu bứt tai lấy làm khó hiểu qúa... Tư liệu
sản xuất là cái... đếch gì, Bá thắc mắc. Chú Thông Núi giải thích là những
công cụ có thể sản xuất ra hàng hóa... Vậy thì Bá hiểu và Bá lẩm nhẩm:
Bộ đồ hoạn lợn của lão Lý là tư liệu sản xuất vì nó cho ra những con lợn
thịt. Con lợn giống của lão Lý là tư liệu sản xuất vì nó sản xuất ra lợn con.
Bá thắc mắc: Vậy thì cái... “củ bin” của lão Lý có phải là tư liệu sản xuất
không? Cái “củ bin” này trong thời kỳ cách mạng tư sản kiểu mới, lão Lý
còn được giữ lại, nhưng sau này, khi làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, Bá
nhớ lại lời chú Thông Núi, chắc bị tịch thu. Bá cho rằng cái bi đát của
người làm cách mạng là ở chỗ này đây. Hèn gì lão Lý vừa làm nghề thả
lợn giống lại vừa hành nghề hoạn lợn. Lão Lý nhìn xa. Phàm là người cách
mạng thì phải biết nhìn xa... , lời chú Thông Núi.
Càng ngày Bá càng đến lớp học ít hơn vì Bá có nhiều công tác hơn, chú
Thông Núi về làng thường xuyên hơn. Bạn bè trong lớp và cả thầy giáo
nhìn Bá với một thái độ trân trọng. Hôm nào Bá đi học, ngồi cạnh Nguyễn
Kỳ Cùng, Bá nói cho nghe đủ mọi thứ chuyện. Mà chuyện nào cũng hết
sức quan trọng và hết sức mới mẻ. Bây giờ thì không úp mở gì nữa, Hà
Văn Bá đã trở thành người của cách mạng. Bá theo chú Thông Núi. Bá
muốn thoát ly theo chú nhưng chú bảo hãy khoan đã vì địa phương đang
cần Bá. Thì Bá ở lại, nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về nơi rất xa.
   211   212   213   214   215   216   217   218   219   220   221