Page 213 - MuDo67
P. 213
nẩy nở (điều này thì chắc là Hà Văn Bá đã bịa ra, nhưng để cho có vẻ đáng
tin, Bá cũng nói rằng chú Thông Núi bảo thế).
Lần ấy, Nguyễn Kỳ Cùng và Bá thấy một con chó đực đang “đấu tranh”
với con chó cái ở bờ sông. Có lẽ không nên mô tả lại cuộc “đấu tranh” này,
nhưng mà việc ấy đã gieo vào đầu óc Nguyễn Kỳ Cùng biết bao nhiêu là
thắc mắc. Sau đó hai con chó cứ dính chặt lấy nhau trông rất tội nghiệp. Bá
nói: Ở đời phải có đấu tranh, phải có âm dương thì mới tiến bộ, chú Thông
Núi bảo thế. Đấu tranh cho tiến bộ, đấu tranh để gìn giữ đời sau như ngọn
lửa không bao giờ tắt.
Chú Thông Núi đi làm cách mạng. Lâu lâu chú mới về làng, và mỗi lần chú
về là có tin vui cho mọi người, cho đại cuộc. Khi thì quân đội đồng minh
sắp tiến vào Béc-linh, khi thì những chiến sĩ Hồng quân đang bao vây quân
Phát-xít... có khi thì người anh em Liên-Xô đã tìm ra phương pháp nuôi
lợn chỉ trong vài tuần có thể to bằng con bò. Béc-linh ở đâu không ai biết,
quân Phát-xít là cái gì cũng chẳng ai hay nhưng chuyện nuôi một con lợn
to bằng con bò trong vài tuần thì quả là điều phấn khích rất cụ thể. Cái đó
là năng suất, Thông Núi nhấn mạnh, và sau đó Hà Văn Bá lặp lại ở bất cứ
nơi nào có thể. Thông Núi gào thét giữa đám đông, dưới ánh sáng mờ ảo
của những ngọn đuốc hồng, rằng chỉ có cách mạng mới tạo được một năng
suất to lớn như thế...
Hà Văn Bá lặp lại, cách mạng là đấu tranh, đấu tranh là năng suất, năng
suất là... con lợn to bằng con bò.
Như vậy, cứ mỗi lần chú Thông Núi về làng là Hà Văn Bá lại bỏ học mất
mấy buổi để đi theo chú trong những kỳ hội họp, mít tinh. Nhiệm vụ của
Bá là đến từng nhà để thông báo địa điểm tập họp cũng như làm bất cứ
điều gì chú cần. Bá trở thành một người quan trọng của phong trào, cho
nên việc Bá đi học hay không đã trở thành chuyện bình thường. Chỉ có
cách mạng mới dạy dỗ ta nên người, Bá vẫn nói như thế và còn nhấn mạnh,
bọn phong kiến chỉ làm ngu dân, nên càng học theo chúng thì càng ngu...
Bá đã tìm đúng con đường để Bá đi theo, đường cách mạng của chú Thông
Núi mà ít khi hoặc không cần phải đến trường.
Có lần Bá kể cho Nguyễn Kỳ Cùng nghe về một cuộc “đấu tranh” trong
một bầu không khí rất cách mạng. Tối hôm ấy, Bá kể, khi chú Thông Núi
đang nói chuyện với quần chúng về một thành tựu khoa học ở nước Liên-
Xô. Đứng cạnh Bá là con Lựu, đứa con gái cùng thôn và lớn hơn Bá hai
tuổi. Cả hai đứa cùng đứng trong góc khuất, nơi những ánh đèn không dọi
tới. Khi chú Thông Núi đang say sưa nói rằng ở Liên-Xô, người ta đã chế
được cỗ máy mà chỉ cần bỏ một đống cỏ ở đầu vào thì ở đầu kia sẽ ra...
một con bò. Mọi người ngơ ngác như nghe một câu chuyện thần tiên. Nhân
lúc ấy, Bá nắm tay con Lựu. Nó để yên, thật ra thì nó có rút tay về nhưng
rất nhẹ, không đủ để vuột khỏi bàn tay của Bá. Quần chúng đang say sưa