Page 210 - MuDo67
P. 210
trên những chiếc xe ba gác do một cái xác khác còn thở, kéo đến một chỗ
chôn chung... và khi chiến tranh thế giới kết thúc, lại là lúc Nguyễn Kỳ
Cùng phải rời bỏ thành phố để tản cư tới những miền quê hẻo lánh.
Tuổi thơ của Nguyễn Kỳ Cùng là một chuỗi những tháng năm không may
mắn. Vì chiến tranh luôn xô đẩy cái gia đình nhỏ bé ấy càng ngày càng đi
sâu vào những miền đất xa xôi của đất nước.
Năm lên chín tuổi, Nguyễn Kỳ Cùng với gia đình trôi dạt đến một làng
quê rất xa. Ngôi trường tiểu học là một căn nhà chứa thóc bỏ hoang của
một tay phú hộ đã ra đi. Ở đây Nguyễn Kỳ Cùng có một người bạn vong
niên: Hà Văn Bá.
Hà Văn Bá hơn Nguyễn Kỳ Cùng sáu tuổi. Nhà nghèo, lại tai trời ách
nước, lên bẩy tuổi, Hà Văn Bá đã phải chăn trâu, cắt cỏ, và do đó mà Bá
đi học rất trễ. Ngồi chung một lớp với Nguyễn Kỳ Cùng nhưng chênh lệch
về tuổi tác không phải là trở ngại để họ không thể kết thân với nhau. Mười
lăm tuổi, Bá mới học lớp nhì (sau này gọi là lớp bốn), Hà Văn Bá là một
“thanh niên” có chí lớn và có lòng... yêu nước nồng nàn.
Tuổi lớn, cùng với sự khôn ngoan và những hành động khác người của Hà
Văn Bá từng khiến Nguyễn Kỳ Cùng yêu mến, khâm phục, và tự hào về
người bạn vong niên của mình.
Thuở ấy, thi thoảng Hà Văn Bá bỏ lớp đi đâu đó một hai ngày, có khi lâu
hơn. Những lần ấy học trò trong lớp xôn xao, giống như mặt nước ao bèo
bị dao động bởi một cục đất vô tình ném xuống, rồi những mảng bèo ấy
khép lại bình yên như chưa từng có chuyện gì xẩy ra, khi Hà Văn Bá trở
về lớp học, Bá lại cúi cái đầu trọc nghiêng nghiêng trên trang giấy vở học
trò.
Hà Văn Bá có nhiều năng khiếu đáng nể. Anh có một cái ống đồng, với
vài cục đất vê tròn phơi khô làm đạn, anh có thể thổi chết một con chim,
bắn hạ một con gà. Anh có thể bơi qua sông trong mùa mưa lũ. Anh cũng
có thể thả lời bông lơn chọc ghẹo gái làng, khiến các cô đỏ mặt. “Nữ thập
tam, nam thập lục, sang năm tớ lấy vợ được rồi”, anh nói thế. “Nhưng cứ
để đấy, khi nào cách mạng thành công hãy hay”, vẫn lời anh nói. Đó là lần
đầu tiên Nguyễn Kỳ Cùng nghe được hai chữ “cách mạng”.
Trong lớp học, Nguyễn Kỳ Cùng ngồi cạnh Hà Văn Bá, và nhờ vậy Nguyễn
Kỳ Cùng học hỏi được ở người “thanh niên” này nhiều điều. Kể tử ngày
quen biết Bá, trí khôn của Nguyễn Kỳ Cùng như được mở rộng thêm ra.
Người bạn vong niên này đã khai mở cho Nguyễn Kỳ Cùng những nẻo
đường trí tuệ mới mẻ, cùng những chân trời hiểu biết rực rỡ. Tuổi thơ của
Nguyễn Kỳ Cùng in đậm dấu ấn về người “thanh niên” lỗi lạc ấy. Tuổi cao,
vóc dáng nhỏ thó, mắt láo liên, học hành chậm lụt vì hình như tâm hồn
người “thanh niên” ấy bao giờ cũng hướng ra bên ngoài lớp học, ở tận tít
tắp chân trời xa, ở những ước mơ...