Page 22 - MuDo67
P. 22


quận : Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân,
Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ. Trị sở quận Giao Chỉ thời Đông Hán
(23-220 Công Nguyên-CN) đặt ở huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ
(Mê Linh sau này còn gọi là Phong Châu mà theo cách đọc của người Việt
là Châu Phong). Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quận
Giao Chỉ tương đương với vùng Bắc Bộ hiện tại.
Nhà Hán đặt chức Thái Thú để cai trị mỗi quận, trên Thái Thú có quan
Thứ Sử là người Trung Quốc có trách nhiệm giám sát các quận. Các Lạc
hầu (văn quan), Lạc tướng (võ quan) dưới quyền Thái Thú coi việc trị dân
như cũ. Họ vẫn giữ quyền thế tập và chỉ phải mỗi năm nộp thuế cống cho
Thái Thú.

Hai bà Trưng là con của lạc tướng huyện Mê Linh (tức Châu Phong)
thuộc quận Giao Chỉ. Trưng Trắc là chị, kết hôn với Thi Sách-con trai
của lạc tướng huyện Châu Diên cũng thuộc quận Giao Chỉ. Năm 34 CN,
nhà Đông Hán cử Tô Định sang làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Tô Định
là người bạo ngược, cai trị hà khắc, khiến dân tình ta thán. Vợ chồng Thi
Sách muốn dấy binh khởi nghĩa để đánh đuổi ngoại xâm, nhưng chưa kịp
khởi binh thì Tô Định đã đánh chiếm Châu Diên và giết chết Thi Sách vào
năm 40 CN. Trưng Trắc thay chồng “ phất cờ nương tử “, lãnh đạo nghĩa
quân tiếp tục cuộc kháng chiến. Nhiều quận khác như Cửu Chân, Nhật
Nam và Hợp Phố cũng theo về dưới lá cờ Hai Bà Trưng. Quân Hai Bà
Trưng nhanh chóng chiếm được nhiều thành trì. Tô Định bỏ chạy về nước
và bị triều đình Đông Hán giáng chức. Còn Trưng Trắc thì lập tức xưng
vương dựng triều Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh.

Năm 41 CN, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân mang
quân tiến đánh Hai Bà Trưng. Quân hai bà bị thua phải rút về giữ đất Cấm
Khê (phía tây nam huyện Mê Linh). Cầm cự được 2 năm, đến năm 43 CN,
quân Hai Bà Trưng bị Mã Viện tấn công phải chạy đến xã Hát Môn huyên
Phúc Lộc (Phúc Thọ, Sơn Tây). Đường cùng, hai bà gieo mình xuống sông
Hát Giang tự tận vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43 CN).
Một số điểm cần khảo cứu thêm
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy rằng sách sử nào cũng đề cập, nhưng
hầu hết đều rất đại khái, thiếu chi tiết và còn nhiều điểm chưa rõ. Chẳng
hạn như số lượng thành trì mà hai bà chiếm được khi khởi nghĩa, sách Đại
Việt Sử Lược khuyết danh và An Nam Chí Lược của Lê Tắc hồi đầu thế
kỷ 14, Đại Việt Sử ký Toàn Thư nhà Hậu Lê được biên soạn hồi thế kỷ
17, Khâm Đinh Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn thế kỷ 19,
đều ghi là quân Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành. Thế nhưng sách Việt
Sử U Linh (Tập truyện về cõi u linh của nước Việt) của Lý Tế Xuyên thế
   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27