Copyright © 2014 by "GĐMĐVN/HN"  ·  All Rights reserved  ·  E-Mail: nhayduflorida@live.com | dacsanmudo@gmail.com
Suite 101, 1220 West Market Street
Wilmington, Delaware  U.S.A. 19901
Tel: 1-302-123-7777
GIA ĐÌNH MŨ ĐỎ VIỆT NAM HẢI NGOẠI
ĐẶC SAN MŨ ĐỎ
ÑAËC SAN MUÕ ÑOÛ
670 South Federal Blvd
Denver, CO 80219

Tel: (720) 231-8344, Fax: (303) 936-8570
Email: dacsanmudo@gmail.com
ĐỌC SÁCH
Nguyễn Văn Phúc
Tác Phẩm: Red Markers  
Close Air Support for the  
Vietnamese Airborne, 1962-1975
Tác Giả: Gary N. Willis
Nhà Xuất Bản: Tác Giả Tự Xuất Bản; 236 trang.
Preview
List Price: $30.00
Price: $28.50
You Save: $1.50 ( 5% )
Ships in 6-8 business days.
FROM 1962 UNTIL EARLY1973, a handful of USAF officers and airmen directed close air
support for the Vietnamese Airborne and its American advisors in MACV Advisory Team
162. This Red Marker detachment began as a single Air Liaison Officer. It grew into a
combat unit of 36 personnel with a dozen aircraft before shrinking to a single officer as the
United States withdrew from combat. Over the decade of its existence, less than 175 men
served in the unit. Five of them died in combat. This book contains the history of these
forward air controllers from the beginning to the end, based on contributions from 76 men
who were there.
Lời nói đầu:
     Khi nói về các người lính Hoa Kỳ bận quân phục Nhảy Dù và phục vụ tại Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, hầu hết các chiến binh Nhảy Dù đều nghĩ  
đến các người lính Hoa Kỳ trong Toán Cố Vấn 162 (MACV, Team 162), đây là những sĩ quan và hạ sĩ quan Hoa Kỳ cùng hành quân và sinh hoạt  
chung với các tiểu đoàn Nhảy Dù. Nhiệm vụ chính của họ là lo liên lạc việc yểm trợ hỏa lực (pháo binh và không yểm) và phương tiện chuyển vận. Các  
viên cố vấn nầy, khi cần lo việc yểm trợ hỏa lực: Về pháo binh, họ sẽ liên lạc với các đơn vị pháo binh trực thuộc nhiều đơn vị khác nhau của quân đội  
Hoa Kỳ; Còn riêng về không yểm, các viên cố vấn sẽ liên lạc với toán phi công quan sát được gọi là Red Markers. Red Markers là một biệt đoàn bao  
gồm những phi công bay máy bay quan sát và một vài người lính kỹ thuật bảo trì của Không Quân Hoa Kỳ phục vụ trực tiếp cho Sư Đoàn Nhảy Dù  
Việt Nam. Những người lính trong biệt đoàn nầy cũng bận quân phục Nhảy Dù giống như các viên cố vấn của Toán Cố Vấn 162. Tên trong liên lạc  
truyền tin của các cố vấn là Red Hat và tên trong liên lạc truyền tin của các phi công quan sát là Red Marker.
     Từ năm 1962 cho đến năm 1973 có rất nhiều phi công quan sát và lính kỹ thuật của Không Quân Hoa Kỳ trực tiếp yểm trợ hỏa lực tiếp cận cho các  
đơn vị của Sư Đoàn Nhảy Dù và các cố vấn thuộc Toán Cố Vấn 162. Biệt đoàn được gọi là Red Markers nầy bắt đầu chỉ với một sĩ quan liên lạc và trở  
thành một toán chiến đấu với 36 nhân viên cùng 12 chiếc phi cơ quan sát trước khi còn có một sĩ quan, lúc Hoa Kỳ rút quân khỏi cuộc chiến. Trong  
mười hai năm có mặt, có khoảng 175 quân nhân Hoa Kỳ phục vụ trong biệt đoàn. Năm người đã hy sinh trong chiến trận.   
Vào đầu năm 2013, tác giả Gary N. Willis, một cựu phi công quan sát thuộc Biệt Đoàn Red Marker xuất bản quyển sách mang tựa đề: “Red Markers,  
Close Air Support for the Vietnamese Airborne, 1962-1975”. Sách khổ lớn, dày 236 trang, viết về lịch sử của những phi công quan sát và các người  
lính kỹ thuật trong biệt đoàn từ khởi đầu cho đến khi chấm dứt, theo lời kể của 76 quân nhân trong biệt đoàn đã có mặt trong trận chiến. Tôi xin tóm  
lược nội dung quyển sách để các chiến binh Nhảy Dù biết thêm về Biệt Đoàn Red Marker với những người lính, cùng giống như các cố vấn của Toán  
Cố Vấn 162, đã chiến đấu, đã hy sinh và đổ xương máu với các quân nhân Nhảy Dù trong công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam.
     Cầu xin Đấng Toàn Năng luôn ban phước lành cho tất cả các Quân Nhân Nhảy Dù Việt Nam cùng các Cố Vấn trong Toán 162 và những Quân
Nhân Biệt Đoàn Red Marker, những người đàn ông Việt - Mỹ luôn hãnh diện vì đã được mang trên người bộ đồ Dù và chiếc nón bê-rê Đỏ trên đầu.
Sách Red Markers được chia làm bảy phần, tổng cộng mười sáu chương, viết về những phi công quan sát Hoa Kỳ và các nhân viên bảo trì kỹ thuật và truyền tin
trong biệt đoàn. Trong mười hai năm sát cánh chiến đấu với các quân nhân Nhảy Dù, Biệt Đoàn Red Marker có mặt trên khắp bốn vùng chiến thuật, từ cận đầu
giới tuyến ở sát vùng Bến Hải cho đến tận Đồng Tháp Mười và đã đổ xương máu để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Sách được viết rất công phu, theo lời kể của
hơn 70 cựu quân nhân trong biệt đoàn với nhiều bản đồ và gần 150 hình ảnh, trong đó có những tấm hình quí như hình Tướng Dư Quốc Đống đánh bóng chuyền với
các quân nhân Việt - Mỹ, hình Tổng Thống Thiệu gắn huy chương cho Trung Tá Gene McCutchan, hình Tướng Viên chụp chung với Đại Uý Jack Cebe-Habersky,
hình Tướng Westmoreland gắn huy chương cho quân nhân Việt - Mỹ sau trận Tết Mậu Thân.

     Trong thời gian hoạt động cho Sư Đoàn Dù, Biệt Đoàn Red Marker được tưởng thưởng nhiều huy chương cá nhân do  Hoa Kỳ và Việt Nam trao tặng.
     Huy Chương Hoa Kỳ:
    Air Force Cross, Silver Star, Distinguished Flying Cross, Bronze Star with V, Bronze Star, Purple Heart, Army Air Medal with V, Air Medal, Army
Commendation Medal, National Defense Service Medal, Vietnam Service Medal.
    Huy Chương Việt Nam:
    National Order of Vietnam Knight, Military Merit Medal, Cross of Gallantry with Palm (Armed Forces Level Award), Cross of Gallantry with Gold Star (Corps
Level), Cross of Gallantry with Bronze Star (Brigade Level), Air Force Cross of Gallantry with Silver Wings, Honor Staff Service Medal, Vietnam Campaign
Medal.

     PHẦN MỘT:
    Giới thiệu lịch sử hình thành và danh xưng của Biệt Đoàn Red Marker, khởi thủy từ năm 1962 đến năm 1973. Từ năm 1961, Không Quân Hoa Kỳ gởi năm phi
công sang Việt Nam để huấn luyện các phi công Việt Nam cách điều khiển không yểm cho phi cơ quan sát 0-1. Về sau, Hoa Kỳ gởi Phi Đoàn 19 Yểm Trợ Chiến
Thuật (19th Tatical Air Support Squadron), thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân, trực thuộc Không Lực 13 Hoa Kỳ. Khi chiến tranh bộc phá dữ dội, Sư Đoàn 2 bành
trướng và trở thành Không Lực 7 Hoa Kỳ. Cao điểm là vào năm 1968, Không Lực 7 có đến 1,768 máy bay và 90,000 quân nhân trực tiếp phục vụ cho Đông Nam
Châu Á, từ mười hai căn cứ chính và nhiều căn cứ hành quân khác.
     Một năm sau sự việc Vịnh Bắc Phần, thêm bốn phi đoàn mới được hình thành, trực tiếp làm việc cho bốn vùng chiến thuật tại Nam Việt Nam; và tại Thái Lan
cho những hoạt động bên Lào và Cambodia. Phi đoàn 19 đóng ở Biên Hòa, Phi Đoàn 20 tại Đà Nẵng, Phi Đoàn 21 ở Pleiku (về sau dời về Nha Trang, rồi sau đó
đóng ở Phan Rang), Phi Đoàn 22 có căn cứ ở Bình Thủy. Về sau, Phi Đoàn 23 được thành lập và đóng ở Nakhon Phanom, Thái Lan. Biệt Đoàn Red Maker làm
việc với bốn phi đoàn nầy tại Việt Nam. Phần một cũng cho biết thêm cách thức điều hành và làm việc với các Không Đoàn Chiến Thuật của Không Quân Hoa
Kỳ. Và về sau, Không Lực 7 cũng biến cải thêm vì tình hình chiến sự. Không Đoàn Chiến Thuật 504 được thành lập năm 1966 để hỗ trợ cho Không Đoàn 505 đã
có trước đó, và năm phi đoàn quan sát sẽ được trực tiếp chỉ huy bởi không đoàn mới nầy. Các phi đoàn chiến đấu vẫn nằm lại với Không Đoàn 505. Đầu năm
1970, không đoàn có tới hơn 400 máy bay và 3,600 quân nhân.
Bắt đầu với sự rút quân của quân đội Hoa Kỳ và chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, Hoa Kỳ tăng cường việc huấn luyện cho các phi công quan sát Việt
Nam và chuyển giao cho Việt Nam các phi cụ và phi cơ. Cuối năm 1969, Hoa Kỳ bàn giao các căn cứ và phi cơ lại cho Không Quân Việt Nam ở Quân Khu IV.
Phi Đoàn 22 di chuyển từ Bình Thủy về Biên Hòa và vào tháng Giêng năm 1970, nắm quyền điều khiển từ Phi Đoàn 19 về việc yểm trợ không yểm cho quân đội
Việt Nam Cộng Hòa ở Quân Khu III. Phi Đoàn 19 chỉ còn nhiệm vụ với các đơn vị Hoa Kỳ. Biệt Đoàn Red Maker là một trong những đơn vị đổi đến Phi Đoàn
22.

     Vào ngày 15 tháng Hai năm 1971, Không Quân Việt Nam nắm toàn quyền yểm trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Quân Khu III, luôn cả việc lo yểm trợ
về không quân cho Sư Đoàn Nhảy Dù. Phi Đoàn 22 di chuyển về Hawaii. Một thời gian ngắn sau, Phi Đoàn 19 cũng chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Trong thời
gian quân đội Hoa Kỳ và quân đội Đồng Minh rút khỏi Việt Nam, Phi Đoàn 19 hoạt động mạnh mẽ tại Cambodia. Vào tháng Giêng năm 1972, Phi Đoàn 19 di
chuyển đến Đại Hàn và Không Đoàn 504 ngưng hoạt động. Cùng trong thời gian, 106 phi cơ O-2 và 84 phi cơ OV-10 được chuyển giao cho các đơn vị đồng minh.
Vào ngày 15 tháng Giêng năm 1973, Phi Đoàn 20 về lại Hoa Kỳ. Phi Đoàn 21 chấm dứt hoạt động vào ngày 23 tháng Hai năm 1973. Chỉ riêng Phi Đoàn 23 ở Thái
Lan còn hoạt động cho đến năm 1975.
Phần nầy cũng nói về Sư Đoàn Nhảy Dù, các cố vấn Hoa Kỳ và Biệt Đoàn Red Marker. Từ những ngày khởi đầu của Nhảy Dù từ năm 1951 chiến đấu cho quân
đội Pháp trong Chiến Tranh Đông Dương. Năm 1955, Hoa Kỳ chỉ định các cố vấn đến Nhảy Dù và các đơn vị khác, khởi đầu là “Biệt Đội Cố Vấn Nhảy Dù Việt
Nam”, và về sau đổi lại thành “MACV, Toán Cố Vấn 162”. Có hơn 1,200 quân nhân làm việc với Toán 162 (trong toàn thời gian chiến tranh Việt Nam), toàn là
những người tình nguyện, thời điểm cao nhứt có đến 100 quân nhân trong toán; 24 người hy sinh trong chiến trận trong lúc cùng với các người bạn Nhảy Dù Việt
Nam chiến đấu với quân địch. Hàng trăm người khác bị thương, coi như phân nửa các cố vấn Nhảy Dù bị thương ít nhứt là một lần. Hai cố vấn tử thương sau cùng
là khi bị rớt trực thăng vào ngày 8 tháng Giêng năm 1973. Đây là toán cố vấn có con số thương vong cao nhứt của MACV. Những Red Hat nổi tiếng về sau lên
chức tướng là James “Jim” Lindsay ( cố vấn Tiểu Đoàn 1 Dù, sau là Đại Tướng Tư Lệnh BTL Lực Lượng Đặc Biệt đầu tiên của Hoa Kỳ, Special Operations
Command), Joe Kinzer, Norman Schwazkopf, Herb Lloyd… Có ít nhứt 22 Red Hat trở thành tướng. Riêng về Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, từ vài tiểu đoàn và hai
chiến đoàn trở thành sư đoàn với quân số khoảng 12,000 chiến binh. Trong cuộc chiến, hơn 20,000 người lính Dù tử trận.

     Về Biệt Đoàn Red Marker, năm 1965, biệt đoàn nằm trong danh sách các đơn vị trực thuộc Phi Đoàn 19 Không Yểm Chiến Thuật, có hơn mười chiếc phi cơ
quan sát, 14 phi công và 22 quân nhân kỹ thuật. Năm 1970, biệt đoàn đổi qua Phi Đoàn 22, là đơn vị hoạt động yểm trợ cho Quân Đoàn III. Trong thời gian của
chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, biệt đoàn chỉ còn lại một nhân viên vào năm 1971.

     PHẦN HAI:
     Bắt đầu từ năm 1962, khi Thiếu Tá Gene McCutchan cùng chín sĩ quan đầy kinh nghiệm của Không Quân Hoa Kỳ đến Đông Nam Châu Á. Thiếu Tá
McCutchan từng bay phi cơ B-17 trong Đệ Nhị Thế Chiến và chiến đấu cơ trong chiến tranh Triều Tiên. Ông và các sĩ quan đó sẽ nhận lãnh trách nhiệm làm sĩ
quan liên lạc không trợ, phục vụ cho nhiều đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu Tá Gene McCutchan về Chiến Đoàn Nhảy Dù. Trong thời gian nầy, Thiếu
Tá McCutchan sẽ bay chung với một phi công Việt Nam trên chiếc L-19, và phi cơ do Không Quân Việt Nam cho mượn.  Ông lấy danh xưng trong truyền tin là
Red Marker để liên lạc truyền tin với các cố vấn Nhảy Dù Hoa Kỳ, Red Hat. Và, người phi công Việt Nam lúc ấy là Trung Uý Trần Văn Trực, thuộc Phi Đoàn
Quan Sát 112. Sư Đoàn Nhảy Dù cũng cho một viên hạ sĩ quan theo giúp Thiếu Tá McCutchan, Trung Sĩ Trần Đình Lương. Về sau, Thiếu Tá Jim Martin và Đại
Uý Jack Cebe-Habersky gia nhập vào Red Markers và Thiếu Tá Martin sẽ thay thế Thiếu Tá McCutchan nắm lấy biệt đoàn. Năm 1964, McCutchan thăng cấp
trung tá và được Trung Tá Carleton thay thế.
     Phần Hai tóm tắt sơ lược về những trận đánh của Sư Đoàn Nhảy Dù vào năm 1963 như hai trận Ấp Bắc 1 và 2 tại tỉnh Kiên Giang; Tiểu Đoàn 6 Dù và trận
đánh tại tỉnh Tây Ninh; cuộc hành quân của Tiểu Đoàn 5 Dù ở tỉnh Cà Mau, tiếp cứu một đơn vị Nghĩa Quân bị địch bao vây; cuộc Đảo Chánh năm 1963 cho thấy
việc đóng quân của các tiểu đoàn Dù: Tiểu Đoàn 1 hành quân Đức Lập, Tiểu Đoàn 3 ứng chiến tại Tân Sơn Nhứt, Tiểu Đoàn 6 chuẩn bị đến Bà Rịa để học bổ túc,
Tiểu Đoàn 8 hành quân tại Cà Mau tìm kiếm ba viên cố vấn Hoa Kỳ đang bị Việt cộng bắt giữ. Hai Tiểu Đoàn 5 và 7 Dù vừa đến Trảng Bàng để thay thế hai tiểu
đoàn TQLC về lại Sài Gòn (hai tiểu đoàn này sẽ đánh chiếm dinh Gia Long). Ngày 1 tháng 11, Tiểu Đoàn 6 được lịnh di chuyển đến Bà Rịa cho một cuộc hành
quân khẩn cấp, khi đến nơi, tiểu đoàn nằm dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lộc và di chuyển về Sài Gòn.

     Vào năm 1964, những trận đánh của Nhảy Dù tại Long An với Tiểu Đoàn 3 Dù; trận đánh tại tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) của Lữ Đoàn Đặc Nhiệm Dù với
hai Tiểu Đoàn 1 và 8 cùng Thiếp Giáp do Đại Tá Cao Văn Viên chỉ huy, trong trận đánh, Đại Uý Thomas McCarthy cố vấn trưởng TĐ1 tử trận khi cùng các chiến
binh Dù xung phong vào phòng tuyến quân địch; Vào tháng Sáu, Trung Tá Dư Quốc Đống chỉ huy Lữ Đoàn 1 Đặc Nhiệm (gồm TĐ1 và 3) hành quân vùng Bằng
Lăng, tỉnh Định Tường; Tháng Bảy, một tiểu đoàn Dù nhảy dù xuống vùng Rạch Giá, Cà Mau vào ban đêm, cuộc hành quân này có mặt Trung Tá Carleton Casteel
vừa đến Việt Nam trong ngày, ông không được biết nhiệm vụ của cuộc hành quân nầy, về sau, có thể là do Tiểu Đoàn 5 Dù, hành quân nhảy dù tìm kiếm một trại
giam của cộng quân đang giữ 1,000 người lính miền Nam và 12 viên cố vấn Hoa Kỳ; Tiểu Đoàn 3 Dù hành quân tại Long An; Tiểu Đoàn 1 và 5 Dù vùng Bến Cát,
Bình Dương; Tháng 11 với Tiểu Đoàn 8 và vùng đồn điền cao su Michelin; Vào ngày cuối năm, Chiến Đoàn A hành quân tiếp cứu Bình Giả với  TĐ 1, 3 và 7.

     PHẦN BA:

     Đầu năm 1965, Biệt Đoàn Red Marker trở thành một đơn vị chiến đấu thật sự, họ có được những phi cơ quan sát riêng cho biệt đoàn, máy móc và các nhân
viên bảo trì máy bay và dụng cụ truyền tin. Lúc nầy, quân đội Hoa Kỳ cũng tham chiến tại Việt Nam nhiều hơn, chỉ với 18,000 quân nhân từ đầu năm 1964, đến
cuối năm 1965, quân số tăng lên đến 240,000 người lính. Năm nầy, ngoài Trung Sĩ Lương, biệt đoàn có thêm Binh Nhất Phương được Sư Đoàn Dù biệt phái tới.
Một số tiêu biểu các trận đánh trong năm 1965:
- Vào đầu tháng Hai, một lực lượng đặc nhiệm với hai tiểu đoàn 5 và 6 Dù được trực thăng vận đến vùng Củ Bi thuộc tỉnh Phước Tuy, họ đụng nặng với cộng
quân. Tiểu Đoàn 5 bị thương vong khá lớn, Đại Úy Tom Throckmorton và Trung Sĩ Lewis Rowe bị thương nặng.
- Trận Cheo Leo, Phú Bổn: trên đường lên Pleiku để hành quân, TĐ 5 dẫn đầu và TĐ 1 hộ tống một đoàn công voa chở đạn pháo binh đến một căn cứ hỏa lực.
Cộng quân chờ TĐ 5 vừa qua khỏi là tiến đánh TĐ 1 và đoàn công voa. Trong trận đánh nầy, một toán viên trong biệt đoàn đi theo đoàn xe bị tử thương, Binh Nhất
James C. Henneberry. Cùng trong ngày, chiếc phi cơ quan sát của biệt đoàn cũng bị bắn rơi, gây tử vong cho Đại Uý Paul Windle (Red Marker 02) và Thiếu Tá
Lục Quân Joseph E. Parker, cố vấn tỉnh. Một đại đội của TĐ 1 Dù cố gắng thu hồi tử thi hai quân nhân Hoa Kỳ nhưng không thành công, người đại đội trưởng
cùng một số binh sĩ tử trận.
- Trận Đức Cơ II và Ia Drang: Hai TĐ 5 và 8 đang ở Tuy Hòa được chuyển vận đến Đức Cơ, TĐ 3 và 6 bay từ Sài Gòn. Các TĐ 5, 8 và 6 được trực thăng vận
xuống một vị trí gần sông Drang sát biên giới Cambodia, TĐ 3 di chuyển tiếp theo vào ngày hôm sau; TĐ 7 từ Sài Gòn đến tăng viện. Tất cả các tiểu đoàn chạm
súng dữ dội với cộng quân. Trong trận đánh này, Thiếu Tá Norman Schwarzkopf làm cố vấn trưởng một chiến đoàn Dù.
- Tháng Tám, một chiến đoàn Dù hành quân bảo vệ Quốc Lộ 21 gần Ban Mê Thuộc trong vòng hai tuần lễ, vào ngày 29 Trung Uý Robert Carn (Red Marker 03)
đang bay quan sát cho quân Dù thì phi cơ bị va chạm với một phi cơ quan sát của tỉnh đang bay một phi vụ thám sát. Phi cơ quan sát đáp khẩn cấp xuống một phi
trường gần đó, riêng phi cơ của Trung Uý Carn bị rớt và ông bị mất mạng.
- Vào tháng Mười Hai, Lữ Đoàn 2 Đặc Nhiệm (với TĐ 1 và 5 Dù) hành quân khu đồn điền cao su Michelin vì một đơn vị nghĩa quân bị địch tràn ngập. Khi bay
quan sát cho đơn vị Dù, Đại Uý Donald R. Hawley (Red Marker 06) bị bắn rơi. Cách khoảng 20 dặm anh về hướng bắc, Đại Uý Delbert W. Feeney (Red Marker
07) bay phi vụ thám sát, ông biết được bạn mình đang bị tai nạn và bay đến vùng để tiếp cứu. Trong thời gian bay chỉ dẫn các trực thăng cứu Đại uý Hawley, ông bị
quân địch bắn trúng chân nhưng vẫn cố gắng bay cho đến khi phi cơ gần hết xăng. Xác thân Đại Uý Hawley được trực thăng Không Quân HH-34 tìm thấy, và dầu
bị quân địch bắn dữ dội, trực thăng vẫn đáp xuống và mang được Đại Uý Hawley lên trực thăng. Ông bị cộng quân đâm chết.

     Năm 1966, Trung Tá Gene McCutchan sau thời gian làm cố vấn cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã trở về nắm quyền chỉ huy biệt đoàn. Trong năm nầy, phi cơ quan
sát 0-1 được cải tiến thêm cho phù hợp với chiến trường. Những trận đánh trong năm: trận Đồng Tháp Mười; Bồng Sơn, Bình Định; Quảng Ngãi; Phú Bài, Thừa
Thiên; Đông Hà, Quảng Trị.
Trong trận đánh Bồng Sơn, Bình Định, Sư Đoàn Dù phối hợp với Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Tiểu Đoàn 1 và 5 Dù từ Bồng Sơn tấn công lên hướng bắc, Tiểu Đoàn 3 và
6 Dù được trực thăng vận xuống những ngọn đồi phía bắc và di chuyển về hướng nam, Tiểu Đoàn 8 trừ bị, Biệt Đoàn Red Marker cũng cho tăng cường hai phi cơ
quan sát và nhiều nhân viên khác. Trong trận nầy, Trung Sĩ cố vấn TĐ 5, John E. Milender (Red Hat) tử trận, sáu cố vấn khác bị thương, trong đó có bốn bị thương
nặng. Hai cố vấn Thiết Giáp cũng bị thương.

     Vào gần cuối năm 1967, Trung Tá Gene McCutchan hoàn tất “tua” và được Trung Tá Pete Almquist thay thế. Các trận đánh trong năm: sát ranh phi trường
Tân Sơn Nhứt; Quảng Ngãi; Quảng Điền, Thừa Thiên; Sông Bến Hải, Thừa Thiên; tây thành phố Huế, Thừa Thiên; Dak To, Kontum.
Năm 1968, Trung Tá Don Glenn thay thế Trung Tá Pete Almquist. Các trận đánh trong năm: Dak To, Kontum; Tết Mậu Thân; Mỹ Tho, Định Tường; Khe Sanh,
Quảng Trị; Huế, Thừa Thiên; Tây Ninh.
Năm 1966, Trung Uý Trần Văn Trực biệt phái từ Phi Đoàn 112 sang Sư Đoàn Dù, ông thăng cấp đại uý năm 1968 và thiếu tá năm 1970. Năm 1962, ông đã bay
chung với Gene McCutchan, và ông tiếp tục bay cho Sư Đoàn Nhảy Dù. Ông có 800 giờ bay với Phi Đoàn 112 và 600 giờ bay cho Sư Đoàn Nhảy Dù.

     Trận Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 31 tháng Giêng năm 1968, các đơn vị Nhảy Dù đang hoạt động ở Vùng I và II nằm trên đường tấn công của cộng quân.
Tại Dak To, Tiểu Đoàn 6 Dù đánh với hai trung đoàn địch, trong thời gian đánh nhau, tiểu đoàn chỉ còn lại 200 quân nhân khiển dụng. Một toán Red Marker gồm
ba sĩ quan và ba hạ sĩ quan tại Huế lại bị mất hai phi cơ quan sát vì bị trúng đạn pháo của cộng quân ngay đợt pháo kích đầu tiên, làm các đơn vị Dù không có được
sự yểm trợ của không quân, thật ra, cũng khó mà quan sát vì thời tiết quá xấu. TĐ 9 Dù đánh nhau với hai trung đoàn Bắc Việt mà không có được sự yểm trợ của
không yểm, tiểu đoàn chịu nhiều thiệt hại. TĐ 8 chạm địch ở vòng đai phi trường Tân Sơn Nhứt, và sau đó, gởi hai đại đội ra Dak To tăng cường cho TĐ 6. TĐ 1
chận địch quanh Dinh Độc Lập, lấy lại Đài Phát Thanh, và đánh tan cộng quân trong Chợ Lớn. TĐ 5 đánh nhau ở phía bắc Đà Nẵng rồi trở về lại Sài Gòn. TĐ 3
đánh ở phía bắc Sài Gòn. Tại Huế, tình hình rất khó khăn. Toán Red Marker trở về Đà Nẵng để nhận lãnh các phi cơ quan sát mới, để lại ba Trung Sĩ Doug
Hedensten, Bob Eyre và Walt Stepaniak trong cơ quan MCAV, phân bộ Huế.  Hedensten tình nguyện dẫn các người lính TQLC đến giải cứu vài người lính Không
Quân ở ngoài cơ quan, ông bị thương nặng trong lúc đánh nhau và được di tản về Cam Ranh. Bob Eyre cũng bị thương vì đạn cối pháo trúng chiếc xe truyền tin
của biệt đoàn. Trung Sĩ Stepaniak tình nguyện theo đoàn xe TQLC băng qua cầu Trường Tiền để mang các thương binh TQLC về. Hai TĐ 2 và 7 từ bắc ngoại ô
Huế  tiến về Thành Nội để giải cứu Huế và bị phục kích. Vài tuần lễ sau, thành phố Huế được giải tỏa.

     PHẦN BỐN:
     Năm 1969, Biệt Đoàn Red Marker thay đổi nhân sự. Thiếu Tá William H. Fulton nắm quyền chỉ huy, thay thế cho Trung Tá Glenn. Năm này, nhiệm vụ chỉ huy
biệt đoàn chỉ là sáu tháng thay vì một năm như từ những năm trước năm 1969. Hai sĩ quan giữ nhiệm vụ chỉ huy trong năm 69, hai người khác vào năm 70, ba sĩ
quan cho năm 71 và hai cho năm 72. Năm nầy cũng cho thấy các phi công quan sát trong biệt đoàn mang cấp bực trung uý nhiều hơn những năm trước (cấp đại
uý). Vào giữa năm 69, biệt đoàn nhận được vài chiếc O-2 Cessna Skymaster. Phi cơ O-2 bay nhanh hơn, mang được bảy trái rocket cho mỗi bên cánh, bay được
cả 1,400 dặm, gấp ba thời gian hoạt động của chiếc O-1.

     Một phần của biệt đoàn hoạt động ở Sài Gòn để hổ trợ cho Lữ Đoàn 1 và 3, và số còn lại làm việc tại Tây Ninh cho Lữ Đoàn 2. Gần cuối năm 1969, Sư Đoàn
Dù hành quân ở Phước Vĩnh và Sông Bé. Biệt đoàn di chuyển đến Phước Vĩnh và Sông Bé. Sư Đoàn Dù hoạt động ở Sông Bé khoảng bốn tháng và gần Phước
Vĩnh bảy tháng.
Năm 1970, Phi Đoàn 19 TASS chuyển Biệt Đoàn Red Marker và những đơn vị quan sát khác (hỗ trợ cho các sư đoàn Bộ Binh) sang Phi Đoàn 22 TASS.

     Trận Lưỡi Câu bên Cabodia: Ngày 1 tháng Năm 1970, Lữ Đoàn 3 Dù cùng với một thành phần của Sư Đoàn 1 Không Kỵ và Trung Đoàn 11 Kỵ Binh tiến vào
vùng Lưỡi Câu để tiêu diệt những căn cứ hậu cần của cộng quân. Lúc sáng sớm, hai chiếc C-130 thả hai quả bom 15,000 pounds ngay khu rừng bên Cambodia để
làm nơi cho trực thăng đổ quân. Hai trung uý phi công quan sát trong biệt đoàn là Byron L. Mayberry và David G. Blair điều khiển cuộc không tập vào ngay mé
rừng và một giờ sau, những chiếc trực thăng đầu tiên mang quân Dù xuống bãi đáp. TĐ 1 Dù xuống bãi đông lúc 8 giờ 10 sáng. Lúc 10 giờ 05 sáng, hai TĐ 5 và 9
xuống ngay trung tâm bãi đáp.

     Ngày 4 trong cuộc hành quân, trong khi bay quan sát, Đại Uý Gary Willis khám phá một căn cứ lớn được ngụy trang kỹ. Phi cơ phản lực được gọi đến để dội
bom phá hủy căn cứ nầy. Tuy trời mưa gây trở ngại cho việc quan sát, các máy bay phản lực đã dội bom trong vòng nhiều giờ, và căn cứ nầy được các quân nhân
trong biệt đoàn đặt tên là căn cứ Willis, về sau, quân Dù báo cáo cho biết cuộc dội bom phá hủy hai mươi hai căn nhà, mười hai căn hầm, sáu ngàn pounds gạo…
Cuộc hành quân mang được nhiều kết quả, phá hủy nhiều căn cứ hậu cần của cộng quân, tịch thu vô số vũ khí.

     Tháng Chín, Trung Uý Byron Mayberry (Red Marker 19) xuất phát từ Tây Ninh cho một phi vụ dội bom một mục tiêu đã được định trước. Khi xong phi vụ, trên
đường về phi cơ bị trục trặc kỹ thuật, phải đáp khẩn cấp. Biệt đoàn và nhân viên trực của Sư Đoàn Dù nghe được báo cáo. Sư Đoàn Dù gởi ngay một toán quân di
chuyển bằng trực thăng đến vùng. Mayberry được trực thăng Huey mang về, các quân nhân Dù ở lại đêm để bảo vệ phi cơ. Ngày hôm sau, phi cơ được tháo gở
và được trực thăng câu về lại căn cứ.

     PHẦN NĂM:
     Ngày 15 tháng Giêng năm 1971, thành phần còn lại của Phi Đoàn 22 Không Yểm Chiến Thuật sát nhập vào Phi Đoàn 19. Hai tuần sau, PĐ19 đóng cửa hai
nhiệm sở của Biệt Đoàn Red Marker, tại Tân Sơn Nhứt và Tây Ninh. Các phi công và nhân viên kỹ thuật nhận nhiệm sở mới, chỉ còn Thiếu Tá Jack Koppin là
người duy nhất làm việc cho biệt đoàn, ông được Thiếu Tá Dean Haeusler thay thế vào quí đầu của năm. Các phi công Red Marker được các phi công Việt Nam
thay thế. Hai Trung Sĩ Larry Lamb và Lương tổ chức một buổi tiệc chia tay cho các hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc Biệt Đoàn Red Marker.

     Trong trận đánh Lam Sơn 719, lần đầu tiên kể từ năm 1962, Sư Đoàn Nhảy Dù chiến đấu với cộng quân mà không còn Red Markers yểm trợ. Trong cuộc hành
quân nầy, phi công quan sát Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa điều khiển các phi cơ chiến đấu. Phi Đoàn 22 bay từ Quảng Trị, phi đoàn nầy được các phi đoàn 19
và 21 yểm trợ. Phi Đoàn 19 gởi 11 phi cơ và nhiều chiếc jeep trang bị máy truyền tin MRC-108. Phi Đoàn 21 gởi 7 phi cơ và 17 nhân viên truyền tin. Không Quân
Việt Nam cũng gởi nhiều phi cơ quan sát. Tuy vậy, những phi công quan sát nầy không trực thuộc các đơn vị Dù và họ cũng không có mối quan hệ với các vị chỉ
huy trưởng Dù hay các Red Hat (cố vấn Dù). Vì việc rút quân của Hoa Kỳ với mối quan tâm về sinh mạng binh lính, các phi công quan sát Hoa Kỳ bị bắt buộc chỉ
được bay thấp nhấp là năm ngàn bộ, tuy vậy, các phi công quan sát bay từ Đà Nẵng đã bay với độ thấp nhất là một ngàn bộ. Phi công quan sát Việt Nam không bị
giới hạn độ bay, và vì vậy, bị thiệt hại nhiều phi cơ trong cuộc hành quân.

     Sư Đoàn Nhảy Dù gặp nhiều trở ngại vì kế hoạch đặt ra, họ phải nằm bảo vệ nhiều căn cứ hỏa lực, trong khi đúng ra, họ phải được di động và ở vào thế tiến
công. Kết quả là, họ là mục tiêu dễ ăn cho pháo binh địch và quân bộ chiến. Sau khi căn cứ 31 bị thất thủ, quân Dù đổi sang thế chủ động, họ tấn công vào quân
địch từ những căn cứ đóng quân, những tiểu đoàn Dù còn lại đánh thẳng vào cộng quân và rút về lại Nam Việt Nam.
Thiếu Tá Charles Waterman Jr. thay thế Thiếu Tá Dean Hauesler vào giữa năm 1971. Ông đã từng làm phụ tá cho một phi đoàn quan sát tại Quân Khu II.

     Mike Anderson từng phục vụ trong Trung Đoàn 173 Nhảy Dù năm 1967 và là cố vấn cho Tiểu Đoàn 6 Dù vào năm 1970-71, kể lại:
Tôi rời bỏ thôn quê Việt Nam và các vùng như Dak To hàng chục năm qua, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được những quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam, bất kể
cấp bực nào, mà tôi đã chiến đấu và phục vụ với họ. Phần lớn rất dũng cảm và tốt lành, và nhiều người đã trở thành những sĩ quan cao cấp. Hầu hết chúng ta hoàn
tất trách nhiệm được giao phó - chúng ta bảo vệ cho nhau. Chúng ta bay trên trực thăng của họ, chúng ta gọi đạn pháo binh của họ, chúng ta gọi bom và đạn dược
từ những chiếc phi cơ phản lực và trực thăng hỏa lực, và một số chúng ta được triệt thoái từ những “lỗ” địa ngục và mang trở về với họ để họ cứu chữa những vết
thương. Tôi rất hãnh diện được nói rằng, tất cả bọn họ, ngay cả những người mà tôi chưa được gặp mặt, là những người anh, người chị của tôi, những người mà tôi
luôn yêu quí và coi trọng.

     Cuối năm 1971, Thiếu Tá Robert W. Johnson thay thế Thiếu Tá Waterman. Vào năm 1972, Toán Cố Vấn 162 còn lại khoảng 70 người và sẽ bị rút bớt thêm
nữa. Ngày 30 tháng Ba năm 1972, quân Bắc Việt mở trận tấn công vượt qua vùng Phi Quân Sự, tiếp theo là tại Quân Khu II và Quân Khu III. Chỉ trong vòng hai
tuần, Không Quân Hoa Kỳ mang nhiều phi đoàn (đã rút về Hoa Kỳ trước đó) từ Đại Hàn và Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, hai chiếc Hàng Không Mẫu Hạm cũng lên
đường đến Việt Nam cùng với hai chiếc khác đã có mặt tại gần hải phận Việt Nam.
Vào tháng Sáu năm 1972, Trung Tá Jack Bryant nắm quyền chỉ huy biệt đoàn. Trong trận đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, ông làm việc mật thiết với Đại Tá
Tường, Pháo Binh Dù; Trung Tá Nhã, Trưởng Phòng Ba Sư Đoàn, giúp việc yểm trợ hỏa lực. Thiếu Tá Michael J. Flynn, cố vấn Phòng Hai Sư Đoàn giúp đỡ
Trung Tá Phạm Văn Bê.
Phần năm cũng nói sơ lượt về các trận đánh của các tiểu đoàn Nhảy Dù tại Kontum và An Lộc. Riêng trong trận đánh An Lộc, Lữ Đoàn 1 Dù bị thương vong: 346
chết, 1,093 bị thương, 66 mất tích, và  9 cố vấn Nhảy Dù bị thương.

     PHẦN SÁU:
     Lúc nầy, chỉ còn một Red Marker duy nhứt là Trung Tá Jack Bryant. Vào tháng Hai năm 1973, một buổi lễ tiễn đưa các cố vấn thuộc Toán 162 diễn ra tại Sài
Gòn. Bốn mươi hai cố vấn bận đồ ka-ki vàng, đứng thành hàng ngũ trong Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù, mỗi người được tưởng thưởng huy chương Bronze Star. Tám phi
công Việt Nam sẽ tiếp nối việc lo yểm trợ hỏa lực không yểm cho Sư Đoàn Dù, chia đều hai phi công cho mỗi quân đoàn.

     Để chuẩn bị cho Hiệp Định Paris sẽ được ký kết vào năm 1793, Hoa Kỳ tăng cường quân viện cho miền Nam Việt Nam nhiều phi cơ chiến đấu A-37 và F-5
cùng nhiên liệu và đạn dược.
Ngày 17 tháng Mười Hai, Trung Tá Howard J. Pierson chỉ huy trưởng Phi Đoàn 23 TASS tại Thái Lan đến thăm Việt Nam, ông quan sát và làm bản tường trình về
các phi đoàn quan sát Việt Nam.
Vào đầu năm 1975, Không Quân Việt Nam gặp nhiều trở ngại vì thiếu nhiên liệu, bom đạn, và khí cụ. Quân viện tiếp tục bị cắt giảm từ 2.3 tỷ năm 1972, còn 1 tỷ
năm 1973 và 700 triệu cho năm 1974, làm cho quân đội Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

     Vào ngày 13 tháng Mười Hai năm 1974, quân Bắc Việt tấn công vào tỉnh Phước Long, mở màn cho trận tổng công kích năm 1975.
Cũng giống như năm 1972, các đơn vị của Bắc Việt băng qua vùng Phi Quân Sự, từ Lào tiến vào Quân Khu I, Quân Khu II, và từ Cambodia tiến vào Quân Khu  
III. Lần nầy, thiếu vắng sự yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ, không còn những đợt thả bom trải thảm của B-52, không còn những phi vụ bay đêm yểm trợ quân  
phòng thủ của các chiếc Hỏa Long AC-130, chả có trực thăng hỏa lực Croba trang bị hỏa tiễn HEAT, thiếu vắng phi cơ phản lực và phi cơ quan sát từ Thái Lan  
đến trợ giúp việc yểm trợ không yểm. Và, vào ngày 21 tháng Giêng, Tổng Thống Ford lại thông báo, rằng Hoa Kỳ sẽ không quay trở lại Việt Nam.
Không Quân Việt Nam cố gắng hết mình với các máy bay F-5, A-37, A-1.      Tuy vậy, vì không đủ nhiên liệu và các vật dụng thay thế, làm cho hiệu quả chiến đấu  
bị yếu kém đi nhiều. Các phi cơ quan sát dễ bị hỏa tiễn tầm nhiệt và phòng không địch bắn rơi. Quan trọng hơn cả là thiếu vắng máy bay chiến lược B-52. Thiếu sự  
yểm trợ mạnh mẽ của không quân, Nam Việt Nam thua nhiều trận đánh. Ngày 14 tháng Ba, Tổng Thống Thiệu ra lịnh rút bỏ Cao Nguyên và hai tỉnh lỵ nằm cận  
bắc. Rồi ông lại phản lịnh, ra lịnh giữ Huế. Việc nầy gây khó khăn lớn cho các đơn vị nằm ở mạn bắc, chỉ trong năm ngày, Huế bị mất. Và, hậu quả là những đoàn  
quân Bắc Việt di chuyển về phía nam vùng duyên hải, cô lập nhiều đơn vị, cả luôn những đơn vị Nhảy Dù.
Phần Sáu viết sơ về hai trận đánh ở Xuân Lộc, và trận Tân Cảng với Tiểu Đoàn 12 Dù.
Ngày 25 tháng Tư, Tổng Thống Thiệu từ chức và đi đến Đài Loan. Ngày 28, Phó Tổng Thống Hương trao quyền hành cho Tướng Dương Văn Minh.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư, Tướng Minh ra lịnh cho tất cả các người lính buông súng. Cuộc chiến Việt Nam kết thúc sau nhiều năm chiến tranh, nhưng  
nỗi đau khổ kéo dài hơn cả một thập niên.

     PHẦN BẢY:
     Những quân nhân trong Biệt Đoàn Red Marker sau khi về lại Hoa Kỳ, một số tiếp tục phục vụ trong quân đội, số khác trở lại trường học hoặc trong đời sống  
dân sự. Tất cả đều nhớ lại thời gian ở Việt Nam rất rõ ràng. Tác giả cũng đề cập đến những chiến binh Việt Nam đã phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, nhiều  
người phải vào các trại tù khổ sai của cộng sản mà một số đã chết hay bị xử tử hình. Phần lớn đều chịu nhiều khổ đau. Một số nhỏ may mắn trốn thoát được với gia  
đình, nhiều người khác, sau khi đến được xứ tự do, phải lo làm lụng vất vả để mong đoàn tụ với gia đình.
Phần Bảy cũng liệt kê danh sách các người lính trong Biệt Đoàn Red Marker, xin đơn cử một vài người:
- Gene Mc Cutchan, người sĩ quan đầu tiên của biệt đoàn, ông phục vụ hai nhiệm kỳ, năm 1962-63 và 1965-66, hồi hưu với cấp bậc trung tá. Ông mất tháng Sáu  
năm 2012, khoảng một tháng trước khi xuất bản sách.
- Jim Martin, Red Marker 01, phục vụ năm 1963-64, cấp bậc cuối cùng là đại tá. Ông mất năm 2005.
- Joe “Duke” Granducci, Red Marker 02, phục vụ năm 1965-66, hồi hưu với cấp bậc thiếu tá. Ông bắt đầu dự án sử liệu nầy từ năm 2000, liên lạc với các cựu Red  
Marker để phụ tìm tài liệu. Ông mất năm 2005, gia đình ông chuyển tất cả tài liệu để hoàn thành tập sách.
- Paul DeVries, Red Hat, Cố Vấn Phòng 3 Sư Đoàn Dù, về hưu với cấp bậc đại tá, từng làm chủ tịch hội Society of the Vietnamese Airborne.
- Trần Văn Trực, sĩ quan không quân và là sĩ quan ban ba không trợ cho sư đoàn Nhảy Dù từ năm 1962-75, trốn thoát bằng thuyền cùng với gia đình. Hai người con  
trai theo học trường Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ.
Tác giả cũng đề cập đến Trung Sĩ Trần Đình Lương và Hạ Sĩ Phương, hai quân nhân Nhảy Dù, vừa là tài xế, cận vệ và là phụ tá cho các Red Marker từ năm  
1962-70, không biết tin tức, có lẽ vẫn còn kẹt lại Việt Nam.

Vài hàng về tác giả Gary N. Willis:
Gary N. Willis sanh và lớn lên tại Sherveport, Louisana. Ông tốt nghiệp trường Không Quân Hoa Kỳ vào năm 1967. Sau khi ra trường, trong thời gian  
còn là thiếu úy,  ông học thêm, tốt nghiệp bằng cử nhân tại trường UCLA, và học lái máy bay quan sát tại căn cứ Không Quân Craig, Selma, Alabama.  
Ông phục vụ trong Biệt Đoàn Red Marker từ tháng 12 năm 1969 cho đến tháng Sáu năm 1970, cấp bực trung và đại úy phi công quan sát. Tên trong  
liên lạc truyền tin của ông là Red Marker 18.  
Sau khi rời Việt Nam, ông làm huấn luyện viên, “thầy” dạy cho các khóa sinh Việt Nam học bay tại căn cứ Không Quân Keesler, Biloxi, Missouri.
Vợ ông, bà Robin lo việc hiệu đính quyển sách, họ có hai con trai.
Back
Next