Anh Bạn Lính Dù .

 

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỹ niệm của dòng trôi ?

- Tế Hanh -

Nhánh cây già nhô ra cách mặt sông khoảng hơn ba mét. Phía dưới là dòng nước của con sông Hàn lững lờ chảy xuôi về thành phố. Tôi và anh bạn đang ngồi trên nhánh cây to nhất. Mỗi đứa chỉ mặc độc cái quần đùi , còn áo sơ mi và quần dài thì vắt gọn tại chảng ba cũng của thân cây này , nhưng nằm phía trong bờ sông . Dưới gốc cây , chúng tôi có gác 2 chiếc cần câu , kế bên treo lủng lẳng một giỏ nhỏ đan bằng tre , bên trong không có con cá nào cả.

Con sông Hàn chảy xuyên qua lòng Đà Nẵng , đổ ra cửa biển phía bắc thành phố, gọi là Cửa Hàn . Con sông của tuổi học trò chúng tôi , chỉ dài khỏang ngoài 7 cây số , tính ngược theo dòng chảy từ cửa sông hướng bắc ,lên hướng nam , đến ngã ba sông ,nơi giao lưu giữ 2 con sông Cẩm Lệ và sông Cái tại Hoà Cường Nam . Sông Cẩm Lệ có thượng nguồn là sông Vu Gia xuất phát từ sườn núi Trường Sơn đất Quảng đổ xuống vùng đồng bằng nhỏ hẹp. Sông Cái là nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Thu Bồn , có nguồn tận vùng núi Hiệp Đức, Nông Sơn tỉnh Quảng nam.Với cội nguồn đáng nể như vậy , nên vào muà bão lụt hàng năm , cũng chính dòng nước lững lờ hôm nay sẽ chuyển mình khủng khiếp , với lượng nước không lồ nhận từ hai con sông Vu gia và Thu Bồn , đã nhận chìm bao nhiêu là nhà cửa , trâu bò cùng nhân mạng , đáng kể là trận bão lụt năm Thìn 1965.

Vào những ngày hè như hôm nay , dòng sông chảy hiền hòa lắm ! Miền Trung mùa hè , với luồng gió nóng từ miền hạ Lào thổi qua , làm con người lúc nào cũng rịn rịn mồ hôi. Để tránh cơn nóng oi ả đó , hai chúng tôi thường vác cần câu đến chỗ này hóng mát , tiện thể câu cá cho vui và nhảy ùm xuống sông bơi lội thoả thích. Chỗ này là khu vực bắc Hoả Cường, xa các xóm nhà dân , nằm vào khỏang nửa đoạn đường của sông Hàn , tính từ ngã ba sông tại nam Hoà Cường . Nơi đây khá hoang vắng , xa khu nhà dân ở . Sát mé bờ sông có những cây không cao lắm, oằn mình tỏa nhánh là đà gần sát mặt nước sông. Mé bờ phía trong ruộng cỏ , dân chài đánh cá xây một ngôi đình nhỏ như một chòi tranh lớn, mái ngói tường vôi ẩm mốc , thấp lè tè , chính giữa có dựng một bàn thờ bằng xi măng đầy bụi và màng nhện , không nhang khói và bài vị . Đình này chỉ được sử dụng trong các ngày lễ cúng mỗi khi có cá Ông „lụy „ vào bờ . Cá Ông hay cá Voi mà dân chài tin là ngư thần hộ mạng cho họ mỗi lần ra khơi .

Cầu Trịnh Minh Thế , dân chúng quen gọi là cầu De Lattre , nằm về phía dưới cách không xa , có thể nhìn thấy xe hơi chạy qua lại . Hướng đông trước mặt là đồng cỏ xanh mướt . Con đường tráng nhựa dẫn đến rừng thông Mỹ Thị và Ngũ Hành Sơn nằm phía trên dãy đồi cỏ cao kia. Xa hơn nữa là biển Đông với dãi cát trắng chạy dài từ chân núi Sơn Trà đến núi Non Nước , và tiếp tục về hướng Nam xa tít mù . Phía tây sau lưng là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 , cùng những xóm nhà dân ở , đỗ dài đến khu chợ Mới, dân cư đông đúc , nơi có xóm nhà của bọn tôi.

Cũng như mọi hôm, trời hôm nay lại nóng bức nên chúng tôi rủ nhau ra chơi tại nơi này. Câu mãi không được con cá nào , hai đứa leo lên cây ngồi tán dóc đủ mọi chuyện tầm phào , trước khi nhảy xuống bơi lội trong làn nước mát.

Chúng tôi chơi thân nhau từ ngày mới vào đệ thất trường Phan Châu Trinh. Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh .Tuổi học trò vào thời gian này , ngoài chữ nghĩa đèn sách ra , còn vươn đậm nét hình ảnh của cuộc chiến , thể hiện qua các đoàn xe nhà binh thường xuyên chạy tung bụi mù khắp các nẻo đường thành phố , cùng với tiếng gầm rú của máy bay phản lực trên bầu trời bất kể ngày đêm.

- Thế sau này mi thích làm nghề chi ? Tôi hỏi .

- Tau cũng chả biết nữa , chiến tranh mà ! Ai biết được ngày mai sẽ ra sao ? Trước hết tụi mình phài cố gắng học hành .Bạn tôi trả lời.

Tuổi còn nhỏ mà chúng tôi đã có những ý nghĩ khá già dặn !

Vào những đêm mùa hè , có trăng sáng , hai đứa thường đạp xe ra bãi biển Thanh Bình. Nằm dưới trời đêm , khoang khoái nhận những luồng gió mát từ biển thổi vào . Nhìn trăng sao và mơ tưởng đến những phương trời xa thẳm . Khỏang thời gian đó , bãi biển còn hoang sơ và sạch sẽ lắm. Ngồi trên bãi cát vàng, ngắm nhìn cửa biển Đà Nẵng thật tuyệt đẹp ! Bên phải là mỏm Tiên Sa của núi Sơn Trà , bên trài là đèo Hải Vân với những đoàn xe chạy còn thấy đèn xe pha chiếu ánh mờ nhạt. Ngòai khơi lập lờ ánh đèn câu đêm của vài ghe chài câu mực .

Bãi biển cong vòng dẫn đến làng chài Thanh Khê và Nam Ô. Phía hữu , nếu cứ đi bộ dọc theo bãi này , sẽ đến rừng thông nhỏ gần kề , nơi về đêm thường có những cặp nhân tình đưa nhau vào đây hò hẹn , tỏ bày chuyện yêu đương . Nếu đi tiếp sẽ nối với làng Thanh Bồ của người Bắc di cư 54 , nơi tôi có 1 người bạn học cùng lớp ở tại xóm Đạo này . Gọi là xóm Đạo , chứ thật ra cũng có rất nhiều gia đình theo đạo Phật sống lẫn lộn trong xóm , như gia đình của người bạn bắc kỳ của tôi nói trên. Xóm Đạo nằm chiếm 1 vùng đất cát khá rộng , gần cửa sông Hàn và bến Cảng .

Từ những quán nước nằm rải rác phía sau chúng tôi , vang lại nho nhỏ những giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng của thập niên 60 , qua các bài ca về lính rất thịnh hành thời ấy . Đây là nơi dừng chân của mấy chàng lính chiến xa nhà , đến tiêu pha cho hết vài ngày phép ngắn ngủi.

- Phải ráng đậu Tú Tài kỳ này , để nếu vào lính , thì cũng có lon lá với người ta ! Tôi nói với anh bạn như một lời hứa hẹn.

- Ừ ! Bọn mình phải cố gắng hết mình ! Anh bạn gật đầu đồng ý.

Cố gắng! Anh bạn tôi lúc nào cũng cố gắng. Mở miệng nói ra là luôn luôn có hai chữ cố gắng kèm theo . Cố gắng là phương châm để sống của đời anh. Mồ côi cha , mẹ còng lưng gánh nước thuê nuôi anh ăn học . Thành thử ra anh phải cố gắng sống , sinh họat và học hành trong cảnh nghèo của gia đình ! Hai chữ cố gắng này hình như đã vận vào suốt cuộc đời trắc trở và đơn độc cuả anh.

Cuối năm học đó anh thi rớt Tú Tài 1 , mặc dù anh đã cố gắng học ngày học đêm. Cuộc chiến càng trở nên ác liệt . Rồi anh xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ tòng quân ! Tiệc chia tay , tôi đãi anh món bánh tráng cuốn thịt heo , đặc sản của quê nhà , cùng vài ba ly rượu nếp . Anh bạn tôi nói :

- Rượu nếp này hôm nay mình có thể tạm thế cho „Bồ Đào mỹ tửu „ ! Rồi anh ngâm với giọng ngà ngà trong men rượu bài Đường thi , khúc bi ca thời chiến của người xưa , chất chứa ít nhiều hào hùng , lãng mạng và bi ai , rất „hợp thời trang“ trong tình trạng chiến tranh của nước nhà lúc bấy giờ , mà đám học trò bọn tôi không ai không thuộc nằm lòng :

 

Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi ,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi .

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu ,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?

( Vương Hàn )

 

Tôi cố nhấp ngụm rượu để muốn quên đi câu cuối „ xưa nay đi đánh giặc có mấy ai trở về ? „ Tôi nhìn anh ái ngại trong khi anh vẫn cười sảng khóai !

Hình ảnh ngày hôm đó vẫn đậm nét trong ký ức tôi . Một tuần sau , anh vào quân trường Quang Trung , rồi ra Đồng Đế. Ngày ra trường , với vài ngày phép , anh về tìm lại gặp tôi trong bộ quân phục rằn ri với béret màu đỏ của binh chủng Nhảy Dù. Lại cố gắng : Nhảy Dù Cố Gắng , Cố Gắng Nhảy Dù!

Nhìn dáng dấp thư sinh của anh trong bộ đồ lính trận , tôi không ngờ có ngày anh bạn hiền khô của mình lại là anh lính chiến của một binh chủng khét tiếng VNCH với mỹ danh „ Thiên Thần Mũ Đỏ „ .

Ngồi trên chiếc ghế đá trên bờ sông Hàn, chia nhau những điếu thuốc Ruby „ 3 đồng 4 điếu „ tôi hỏi anh :

- Sao mi lại chọn lính Dù hỉ ? Anh đáp :

-Tử nhỏ đến lớn tau lúc nào cũng lấy hai chữ cố gắng làm kim chỉ nam để sống.Thế nên khi vào lính , tau thích binh chủng này bởi vì nó tôi luyện người lính chiến dựa trên hai chữ giản dị như đời của tau luôn luôn vươn tới: Cố Gắng !

Có thể anh bạn tôi đã nói thật lòng . Đêm đó chúng tôi hàn huyên với nhau đủ mọi chuyện mưa nắng của quê nhà và uống hết mấy chai „bia 33 con cọp „ của quán cóc bên bờ sông . Nhìn dòng sông nước chảy dưới ánh đèn vàng , nghĩ về tương lai của tuổi trẻ trong cuộc chiến không biết trôi về đâu? Tôi mỉm cười khi nhớ về bản nhạc „ Trăng tàn trên hè phố“ của nhac sĩ Phạm Thế Mỹ đang rất được quần chúng ưa thích trong thời kỳ này.

Kể từ hôm đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa . Anh theo việc kiếm cung, tôi theo nghiệp sách đèn . Cả hai đều rời khỏi thành phố có dòng sông đầy kỹ niệm của tuổi học trò. Bước chân anh dẫm khắp các vùng đất nước. Bước chân tôi quanh quẩn tại các giảng đường Đại học. Năm khi mười họa mới nhận được thư anh gởi từ những địa danh lạ hoắc , chỉ có tên trong bản đồ quân sự , chứ trong sách địa lý thì tôi chưa bao giờ thấy hay nghe nói đến . „ Ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay „ .Tôi nhớ đến lời nhạc của Trần Thiện Thanh khi đọc thơ của anh .

Cho đến một ngày tôi nhận được tin anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị , bên giòng sông Thạch Hãn. Kiếp người thường gặp những dòng sông. Có dòng sông êm đềm của tuổi thơ , như sông Hàn của chúng tôi trong những ngày tháng cũ. Nhưng cũng có những dòng sông nghiệt ngã , oan khiên , như dòng sông Thạch Hãn , nơi mà anh bạn tôi đã gặp và đã nằm lại vĩnh viễn tại bến bờ này .

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm .

Có tuổi hai mươi thành sóng nước ,

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm .

( Lê Bá Dương )

 

Bốn câu thơ khi đọc được , đã làm tôi nhớ đến anh bạn lính Dù của tôi gần năm thập niên trước , với niềm cảm xúc sâu xa trong tâm hồn.

 

Hoàng Bá Nhứt

( 23.05.2014 )