Cựu Nữ Quân Nhân QLVNCH Mũ Ðỏ Võ Thị Vui: Người Xưa Đâu
(Bài viết dưới đây của Chiến Hữu Võ Thị Vui được ghi chép thời chị Vui còn mạnh
khỏe, thời mà đôi mắt chị còn tinh anh, nay thì chị đã ra người thiên cổ; mời
bạn đọc theo dõi bài viết với tấm lòng của chị với nghiệp lính và nghề văn đã
một thời dấn thân cho quê hương đất nước và dân tộc).
Sau hơn
hai mươi mấy năm tại xứ người lưu lạc, người quân nhân của Quân Lực Việt-Nam
Cộng-Hòa xưa. Những người lính một thời mang quân phục, cầm súng giữ quê hương,
ngày nay đã ra thân lữ thứ. Thỉnh thoảng có gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng,
nhưng khi chia tay nụ cười sao thấy ngậm ngùi. Từ kẻ ra đi năm 1975 cho đến
người mới sang sau hàng chục năm bị tù đày, tâm trạng dễ giống nhau và vẫn thấy
lạc lõng, thấy bơ vơ. Có chăng khi mặc lại bộ quân phục xưa trong các dịp lễ
hoặc hội họp của Quân Ðội. Ta mới thấy nụ cười thực sự nở trên môi các người
lính cũ đã từng tung hoành ngang dọc trên mọi chiến trường của bốn Vùng Chiến
Thuật. Với nhiệm vụ người dân trong thời chiến, giữ vững an bình trên mọi nẻo
đường đất nước.
Trong một buổi họp mặt của binh chủng bạn, tôi đã gặp lại một cấp chỉ huy xưa.
Ông là một danh tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sang đây, thỉnh thoảng gặp
lại, ông luôn luôn niềm nở thân mật, hỏi han như lúc xưa. Lúc ông còn là Tư Lệnh
Sư Ðoàn TQLC của QLVNCH. Một Sư Ðoàn thiện chiến mà lũ Việt Cộng nghe đến đã co
cẳng chạy lẹ. Ông gặp tôi cười và nói:
- Bà đã
viết nhiều về đời lính của bạn bè, đồng ngũ thuộc các quân binh chủng, bà cũng
đã viết về các Nữ Quân Nhân. Vậy tại sao bà không viết về các Nữ Thiên Thần Mũ
Ðỏ. Tôi biết Nữ Quân Nhân thuộc QLVNCH không ít, nhưng với binh chủng Nhảy Dù
chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, tại sao không viết?
- Trình Trung Tướng, các chị có Bằng Dù trong Sư Ðoàn Dù, thật ra cũng không
nhiều. Ða số chuyện xảy ra trong đời người Nữ Quân Nhân Nhảy Dù toàn là chuyện
cá nhân. Cho nên không có gì để viết.
- Thì cứ xem như chuyện kỷ niệm của các cô gái… một thời in gót trên “không gian
vương dấu giày” (thơ HHC).
- Thưa, tôi sẽ cố gắng…
Vừa chào
vị chỉ huy xưa, tôi cũng gặp thêm một số chiến hữu khác, ai cũng khuyến khích
tôi ghi lại những kỷ niệm xưa thời trong quân ngũ. Bạn bè còn nói thêm: “Bây giờ
không viết, mai mốt chống gậy sức đâu mà viết”.
Viết gì đây? Tôi trả lời, thôi viết về lúc xưa các ông lén bà xã đi du dương với
các em gái hậu phương được không.
Bạn bè la hoảng:
- Nè! Bộ muốn đốt nhà… bạn hữu sao?
- Ai biểu lúc đó các ông cứ ca “Anh tiền tuyến, em hậu phương” chi?
- Nhứt bà rồi đó. Thôi thì ghi lại chuyện tình của các Nữ Thiên Thần Mũ Ðỏ. Giữ
kín quá, lâu lâu bật mí cho anh em, để bắt chước và để mừng… cho bà.
Thế là
trong lúc cao hứng, lỡ hứa với người Chủ Nhiệm KBC. Cho nên đêm nay, trong căn
nhà nhỏ quạnh hiu nơi góc núi, tôi để hồn trở về dĩ vãng…
Năm 1955. Lúc đó tôi đã đầu quân vào Quân Ðội. Trong một dịp khao quân, tôi đã
gặp Ðại Tá Ðỗ Cao Trí, trong đêm tiệc khao quân chiến thắng Bình Xuyên, ông đã
gợi ý cho chúng tôi gia nhập Binh Chủng Nhảy Dù và chính ông cổ võ chúng tôi làm
đơn xin được học Nhảy Dù. Lúc ấy tuổi trẻ hăng say, 30 cô gái đã tình nguyện học
Nhảy Dù, cũng là khóa I Nhảy Dù của Quân Ðội do chính các quân nhân Việt-Nam
thực thụ huấn luyện.
Sau đợt tuyển chọn, chỉ có 9 cô thực sự được theo học Nhảy Dù, khóa II cũng chỉ
có 6 cô được theo học. Nhưng trong lúc huấn luyện nhảy thi lấy bằng, một nữ phụ
tá xuống dù bị gãy xương mông nên không có bằng. Thế Là QLVNCH từ năm 1955 đến
năm 1966 chỉ có 14 cô thực sự có bằng. Nhưng đến năm 1960 thì hai trong 14 cô đã
được theo học Nhảy Dù điều khiển, có bằng Huấn Luyện Viên Dù. Sau năm 1967 đến
năm 1975, có khoảng 10 cô nữa có bằng Nhảy Dù. Lúc trước năm 1965, muốn có Bằng
Dù bất luận nam nữ đều phải nhảy năm lần ban ngày và hai lần ban đêm. Sau năm
1967 thì chỉ cần bốn lần nhảy là được cấp Bằng Dù. Bởi vì nhu cầu chiến trường
nên thời gian nhảy huấn luyện rút ngắn lại. Ða số quân nhân Dù mới đều thở dài
nhẹ… nhỏm, và mỗi năm người quân nhân Dù phải có bốn Saut nhảy bồi dưỡng để có
thể ăn lương Bằng Dù. Ðó là kể những quân nhân Dù. Còn các huấn Luyện Viên dĩ
nhiên gấp 10 lần hơn, vì huấn luyện khóa nào cũng phải nhảy theo. Và trong đời
lính Nhảy Dù của phái nữ có nhiều vui buồn lẫn lộn, dĩ nhiên là chuyện… đàn bà.
Tôi ghi lại đây một số chị em có với tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều kỷ niệm của
người con gái mang danh là Nữ Thiên Thần Mũ Ðỏ.
1. Dương Thị Kim Thanh:
Chị là một cán sự y-tế ngoài đời, được phục vụ ngành Quân Y. Người miền sông Hương núi Ngự, nhưng giọng nói đã lai… Sài Gòn 50%. Chị tốt nghiệp khóa I Nhảy Dù với tôi. Cũng là một trong 9 cô Nữ Quân Nhân Nhảy Dù đầu tiên của QLVNCH. Lúc đó chị 25 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong 9 cô. Chúng tôi xem chị như người chị cả. Hiền lành nhỏ nhẹ. Phục vụ rất tận tâm trong ngành Quân Y, tuy quân số thuộc Sư Ðoàn Nhảy Dù (lúc đó là Lữ Ðoàn Nhảy Dù). Nhưng làm việc tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Lúc ấy, 9 cô khóa I đều là độc thân (bắt buộc) nên chị là hoa khôi của Tổng Y Viện Cộng-Hòa nhờ vào chiếc Mũ Ðỏ và Bằng Dù chị mang trước ngực. (Thời đó Nữ Phụ Tá mỗi ngành đồng phục, đội mũ calos trên đầu. Chỉ có các cô gái có Bằng Dù, được Bộ TTM cho phép đội Mũ Ðỏ dù phục vụ ở đâu). Chị đã cùng chúng tôi đi nhảy biểu diễn khắp các nơi và trong một Saut đặc biệt, tình yêu đã nở trên không. Ðại Úy Trương Quang Ân, người đứng thủ khoa của Võ Bị Ðà Lạt (khóa 7, năm 1952) đã cùng chị thực hiện lời ước mơ. Ðám cưới kết thúc mối tình không gian. Chị đã có ba con. Sau này chị là phu nhân Tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh. Ông Bà đã tử nạn trong một tai nạn phi cơ trực thăng lúc đi thăm viếng tiền đồn. Ðể lại vành khăn tang trên đầu ba đứa bé, cùng một lúc mất cha lẫn mẹ. Ðêm nay ngồi đây viết đến dòng chữ này tôi đã không ngăn nổi hai dòng lệ chảy xuống thương cho ba cháu. Không biết bây giờ ra sao?
2. Nguyễn Thị Sang:
Chị cũng
cùng khóa với tôi. Nhưng phục vụ ở Ðại đội Kỹ Thuật (Trung đội gấp dù). Chị
người miền Nam cao lớn hiền lành vui tánh. Tuy lúc đó 19 tuổi mà chị như con nít,
giận ai thì khóc lớn, phải dỗ và năn nỉ gần chết mới chịu. Khi nghe hứa đền cho
cái bánh thì cười ngay. Có một lần đi nhảy biểu diễn ở Ban Mê Thuột, nhân dịp
hội chợ. Có Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chủ tọa. Sau khi nhảy xong, chúng tôi trở
về, đề nghị Trung Úy hướng dẫn đi xem thác Drakling. Khi về chị xin ngừng xe một
chút. Ông Trung Úy trưởng toán không chịu ngừng. Chị kêu lên nếu Trung Úy không
ngừng xe thì… tui chết ông phải chịu… Có lẽ sợ trách nhiệm nên Trung Úy cho
ngừng xe. Chị nhảy xuống chạy tuốt vào bìa rừng… Năm phút sau, chị hớn hở chạy
ra, tươi tỉnh không cần nhìn đến nét mặt cau có của Trung Úy trưởng toán. Lên xe
xong, chị nói tỉnh bơ… “Ai cũng vậy, vua chúa cũng làm dzậy mà. Có dzô thì phải…
có ra chứ”. Lúc đó mọi người mới biết là chị đi thi hành cái khoái thứ… tư.
Sau này, chị xin giải ngũ lý do “Má kêu về lấy… chồng”. Cho dù ông Trung Úy
Trung đội trưởng gấp dù là người nổi danh khó tánh, cũng phải hi câu chấp thuận,
mới chuyển đơn lên Ðại đội trưởng Kỹ thuật (Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam sau nầy).
Nghe đâu vì sanh khó, nên chị đã từ trần. Nữ Thiên Thần thứ hai đã ra đi, để bạn
bè đồng đội ngậm ngùi cho thân phận đàn bà.
3. Nguyễn Thị Thọ:
Chị cũng
phục vụ trong TÐGÐ, người Hà Nội. Vào Nam cha mẹ mất chỉ có hai chị em. Chị rất
vui tánh, thực thà, một mình thay cha mẹ nuôi em nên người. Chị có nhiều Saut Dù
vì tình nguyện cùng chúng tôi đi nhảy biểu diễn khắp nơi. Lúc nào chị cũng thực
thà nói với tôi là chị rất yêu thích miền Nam vì tính tình cởi mở, không khách
sáo và trù phú dễ làm ăn, không khó khăn như ngoài Bắc quê chị nghèo nàn.
Sau này chị kết duyên với một Huấn Luyện Viên Dù Cao Ðăng Huynh, một trong những
huấn luyện viên nhiều Saut Dù nhất. Vì đông con nên chị đã giải ngũ. Thế là khóa
I không còn lại mấy người. Hiện gia đình chị bình yên ở Việt-Nam. Các cháu đều
lớn cả.
4. Nguyễn Thị Liên:
Chúng tôi
cùng chung một khóa học Dù, tuy là hai ngành khác nhau. Nhưng chúng tôi kết bạn
xem như “Tình Bắc Duyên Nam”. Chị cũng là con gái Hà Nội, xinh xắn hiền lành, có
hai răng thỏ rất có duyên. Sau này chị kết hôn với một sĩ quan Dù, nên giải ngũ
ở nhà lo làm vợ hiền. Nhưng sau, Trung Tá Nguyễn Văn Thạnh bị Việt Cộng phục
kích chết tại Vùng IV Chiến Thuật. Chị thay chồng nuôi đàn con dại. Không biết
hiện giờ chị ở đâu? Tiểu bang nào?
Còn nữa. Trong 9 cô Nhảy Dù được mệnh danh là Nữ Thiên Thần Mũ Ðỏ còn có Khánh,
Hương, Hoa (một chị nữa tôi quên tên) đã có Bằng Dù nhưng giải ngũ rất sớm. Hiện
tại không biết lưu lạc phương nào. Các chị có ra đi hay còn ở lại?
Và từ khóa II thì có:
5. Ngô Bích Lộc:
Người con
gái sinh trưởng tại Thủ đô Hà-Nội. Chính gốc tiểu thư Bắc Hà, dáng gầy cao, nhìn
bề ngoài giống con trai nhiều hơn gái. Nó rất tinh nghịch, nhưng mỗi lần đứng
trước của phi cơ chờ nhảy chỉ cần nghe tiếng của Huấn Luyện Viên nói “Go!” là
phóng ra. Nó còn nhìn lại tôi nháy mắt, hẹn sau Saut Dù phóng ra Hóc Môn ăn bì
bún, cái món miền Nam nó mê nhất. Tuy là đầm Tây nhưng lại Việt-Nam hơn cả các
bạn Việt-Nam. Xếp của chúng tôi lúc bấy giờ là Trung Úy Nguyễn Ngọc Hạnh (Trung
Tá Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh) thường hay bắt chúng tôi ra làm “người mẫu”
cho ông chụp. Lúc nào nó cũng nói thầm với tôi rằng: “Khiếp thật! Tao mà ế chồng
cũng vì làm người mẫu cho Lão này, mày ạ…” Tuy thế, nó vẫn có nhiều người xin
bàn tay. Nó lại dân Tây cho nên rất tự nhiên trong sự giao thiệp. Cái điều kỵ
nhất của các bà xếp chỉ huy, lúc bấy giờ các bà lúc nào cũng muốn nhân viên của
mình e ấp… tiểu thư. Bích Lộc chúa ghét lối giả tạo, tôi bắt chước theo. Cho nên
hai chúng tôi được các bà chỉ huy liệt vào hạng “ba gai”.
Sau này nó bực mình không chịu ở Quân Ðội, xin giải ngũ, ra làm phóng viên cho
hãng Reuter, tiếng Anh như gió, nó sang Mỹ làm việc sớm lắm. Sau 1975, nó mở một
nhà hàng trên D.C. Khách hàng của nó từ ông Tổng Thống đến các Bộ Trưởng, nhân
viên ngoại giao, Thượng nghị sĩ, Dân Biểu đều đến nhà hàng của nó. Nhà hàng nổi
tiếng ngon, khung cảnh đẹp. Lúc tôi sang D.C. tham dự 50 năm kỷ niệm Nhảy Dù của
Quân Ðội Mỹ. Nhìn nó tiếp đãi quan khách ở nhà hàng, tôi thấy nó quyết định giải
ngũ sớm là đúng.
Thỉnh thoảng hai đứa gặp nhau qua phone cho dù đôi bạn lúc xưa, bây giờ có hai
thứ tóc, đều làm chức… Bà cả rồi… Mà vẫn mày mày, tao tao như 40 năm về trước,
gặp nhau đều khen nhau đẹp… lão.
6. Trần Xuân Lan:
Sinh
trưởng ở miền Hậu Giang, tánh thực thà. Người nhỏ con nên khi mặc bộ đồ Dù, đứng
trong hàng chờ điểm danh lên phi cơ chúng tôi đều cho nó lên hàng đầu, vì sợ
Huấn Luyện Viên Dù bỏ sót nó. Xuống dù luôn luôn nó xuống sau, dù là nhảy trước.
Nó đủ điểm nặng chứ không dư ký thịt da nào. Chúng tôi hay chế nhạo nó đi nhảy
phải đeo thêm đá. Nó giận lên mét cấp trên. Làm chúng tôi bị rầy. Tuy thế mà
người chỉ huy khi nghe nó khiếu nại cũng phải nở nụ cười kín đáo.
Sau lần dang dở tình yêu với một sĩ quan Mũ Ðỏ nó thề không lấy chồng nữa. Nghe
đâu hiện nay nó về quê ở Sa Ðéc làm nghề y tá… vườn rất khá. Không biết có lúc
nào nó nhớ lại lúc còn áo hoa Mũ Ðỏ hay không?
7. Bùi Ngọc Thúy:
Cũng sinh
đẻ tại Bắc Việt. Nhưng quê nó ở Nam Ðịnh (?) được tính thật thà. Bị bạn bè hay
chế nó là “Hăng Rô”. Nó không biết, hỏi tôi rằng: “Tại sao chúng nó gọi tao tên…
Tây vậy hở?” Tôi cười đáp ngay là miền Nam hay nói lái. Hăng Rô… tức là “Thưa cô
rằng. Ngược là… Răng cô… thừa…” Vỡ lẽ ra, nó kêu tên tam đại tụi bạn ra chửi.
Ðược thể tụi bạn còn chọc thêm. Tuy xin tình nguyện đi Nhảy Dù nhưng nó sợ lắm.
Bao nhiêu lần định bỏ dở, nhờ tôi khuyến khích. Có lần được lệnh đi nhảy ở Bình
Ðịnh, tôi dặn nó: “Năm giờ có lệnh tập họp. Mày nên để đồng hồ reo chứ không thì
ngủ quên”. Nó hứa chắc.
Saut dù biểu diễn đó, nó không có mặt lúc lên phi cơ. Hôm sau nó trình diện
người chỉ huy, với khuôn mặt bầm một bên má, cánh tay thì băng bó, có giấy bác
sĩ cho nghỉ ba ngày. Tôi hỏi nó tại sao? Nó mắng tôi: “Ðồ ranh con. Ông nghe lời
mày nên ông không đi nhảy biểu diễn được”. Tôi ngạc nhiên nhìn nó dò hỏi nguyên
nhân. Nó bảo: “Tại mày dặn để đồng hồ reo. Khi nó reo tao đang nằm mơ. Tưởng
tiếng chuông phi cơ cho lệnh GO nên tao nhảy ra. Từ trên giường hai tầng nhảy
xuống mang theo cả màn mền, bị bầm mặt. May mà không gãy… răng là phúc ba đời
rồi. Còn hỏi gì nữa? Ông không chửi mày là may cho mày lắm rồi. Còn làm bộ tử tế
hỏi móc ông hả?” Tôi thầm nghĩ: “Ðúng là đồ Bắc Kỳ chanh chua… Làm ơn mắc oán”.
Nghĩ thế nhưng tôi không trả lời, hoặc nói ra ý nghĩ đó. Vì sợ nói tạc dzăn nổi
giận thì tôi cũng được bác sĩ cho ba ngày… dưỡng thương.
Bây giờ, nó và gia đình định cư, an lạc tại xứ… Úc. Lâu lâu, nó gọi phone sang
kêu: “Mày, mày chịu khó sang tao chơi. Tao đãi mày… Mít Ðặc”. Già rồi vẫn còn
con nít và mái Tây Hiên của nó vẫn còn… chưa rụng.
8. Nguyễn Thị Thân:
Chị này
lớn tuổi nhất của chúng tôi lúc bấy giờ. Chị cũng sinh trưởng ở Bắc Việt, người
quê Phát Diệm. Chị góa chồng lúc còn ở Hà Nội, rất xinh đẹp, mắt bồ câu, da
trứng gà. Người cao lớn như đầm. Nhưng chỉ giống đầm về nhan sắc và vóc dáng.
Khi chị nói thì sặc thổ âm quê của chị. Ví dụ, chị hay lộn chữ D thành chữ R và
ngược lại. Khi nhảy dù xuống bãi, thì lệnh bắt buộc cuốn dù lại cho vào bao và
vừa chạy về địa điểm tập họp trình diện Sĩ quan Bãi nhảy. Vừa chạy vừa kêu to là
“Nhảy Dù cố gắng”. Bất luận nam hay nữ đều phải theo lệnh này. Cho nên chị cũng
không ngoại lệ… cứ vừa chạy… vừa la to “Nhảy.. Rzù… cố gắng. Nhảy… Rzù… cố
gắng”. Tôi và Bích Lộc chạy theo sau cũng gào to “Nhảy.. Rzù… cố gắng. Nhảy…
Rzù… cố gắng”. Chị quay lại mắng ngay “Nằm kí rì mà to mồm vậy…? Ðồ khỉ gió…” Lũ
“khỉ gió” cứ ngoác mồm la “Nhảy… Rzù… cắn gố…” (cố gắng).
Chị là người cẩn thận, lúc đi nhảy chị băng độn hai đầu gối bằng băng cứu thương
thật dầy. Chị nói rằng khỏi sợ bị trầy đầu gối khi xuống dù, mặc jupe không đẹp.
Nhưng chị không nhớ là đầu gối không quan trọng bằng đầu, chân và mông khi xuống
dù.
Sau này chị tái giá với một sĩ quan Dù, có thêm năm con. Hiện chị ở trên
Washington State từ 1975.
9. Mai Thị Minh:
Nếu chị
Thân là hoa khôi của Dù từ năm 1956 đến 1960, thì Mai Thị Minh là hoa khôi Dù từ
năm 1962 đến 1975. Nó đúng là con gái Hà Nội chính cống. Nhà giàu, chính Trung
Tướng Thiệu, Ðại Tướng Viên lúc còn trẻ ra Bắc cũng thuê nhà của nó mà ở. Sau di
cư vào Nam, gia đình bẩn chật, nên nó vào Nữ Phụ Tá. Ðúng gái Hà Nội, đẹp và
tiếng nói dịu dàng mọi người đều công nhận. Phục vụ tại bệnh viện Ðỗ Vinh của
SÐND. Có một vài “bà bác sĩ” (có nghĩa là vợ của bác sĩ) thấy nó bèn ôm ghè
tương, nếu hôm đó ông chồng trực tại bệnh viện. Thật tội cho nó vì nó không bao
giờ trực đêm cả. Vì nó độc thân nên có nhiều anh hùng để mắt. Có lẽ vì tưng tiu,
nó vẫn còn hình bóng của người anh hùng TQLC năm nào ngã gục trên chiến trường ở
tận địa đầu giới tuyến, để lại vết thương lòng cho Nữ Thiên Thần Mũ Ðỏ tài sắc.
Hiện nay nó ngày ngày một gánh bún riêu dạo khắp xóm bán nuôi thân. Có ai ngờ
người đàn bà lam lũ kia đã có một thời nổi tiếng Hoa Khôi Mũ Ðỏ giầy Saut, nón
đỏ áo hoa đã làm một anh hùng nghiêng ngửa…
Còn nhiều nữa. Nào Nguyễn Thị Nguyên Hoành, Lữ Thị Tám. Nguyễn Thị Thịnh, Nguyễn Thị Hợi, Phan Cẩm Phi, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Ðào Thị Phùng, Võ Thị Vui. Những Nữ Thiên Thần Mũ Ðỏ của Quân Lực VNCH lúc xưa. Nay người ra thân lữ thứ, người còn lại quê hương với bao nỗi xót xa. Có lúc nào nhớ lại lúc xưa “không gian vương dấu giày” (HHC). Lúc còn đội chiếc Mũ Ðỏ, tung mình ra không trung mang lại hãnh diện cho con cháu Triệu Trưng. Nếu nhớ lại vô tình dòng lệ tiếc thương lặng lẽ chảy xuống khóc cho mình hay người Nữ Quân Nhân Dù khóc cho quê hương ?